Các yếu tố cơ bản của nội dung bản đồ địa hình là: Địa vật định hướng, thuỷ hệ, các điểm dân cư, mạng lưới đường giao thông và đường dây liên lạc, dáng đất, lớp phủ thực vật và đất, ranh giới phân chia hành chính – chính trị. Tất cả các đối tượng nói trên được thể hiện trên bản đồ địa hình với độ chi tiết cao và được ghi chú các đặc trưng chất lượng và số lượng. Khi sử dụng bản đồ địa hình thì việc định hướng có ý nghĩa quan trọng, do vậy các địa vật định hướng cũng là yếu tố tất yếu của nội dung bản đồ địa hình.
Đó là những đối tượng của khu vực, nó cho phép ta xác định vị trí nhanh chóng và chính xác trên bản đồ (ví dụ: các toà nhà cao, nhà thờ, cột cây số,…). Các địa vật định hướng cũng còn bao gồm cả một số địa vật không nhô cao so với mặt đất nhưng dễ dàng nhận biết (ví dụ như: ngã 3, ngã 4 đường sá, các giếng ở ngoài vùng dân cư…).
2. Thuỷ hệ
Các yếu tố thuỷ hệ được biểu thị tỉ mỉ trên bản đồ địa hình. Trên bản đồ biểu thị các đường bờ biển, bờ hồ, bờ của các con sông lớn được vẽ bằng 2 nét. Các đường bờ nước được thể hiện trên bản đồ theo đúng đặc điểm của từng kiểu đường bờ.
Trên bản đồ biểu thị tất cả các con sông có chiều dài từ 1cm trở lên. Ngoài ra còn thể hiện các kênh đào, mương mán, các nguồn nước tự nhiên và nhân tạo. Đồng thời còn phải thể hiện các thiết bị thuộc thuỷ hệ (như các bến cảng, cầu cống, trạm thủy điện, đập,…).
Sự biểu thị các yếu tố thuỷ hệ còn được bổ sung bằng các đặc trưng chất lượng và số lượng (độ mặn của nước, đặc điểm và độ cao của đường bờ, độ sâu và độ rộng của sông, tốc độ nước chảy).
Trên bản đồ, sông được thể hiện bằng một nét hay hai nét là phụ thuộc vào độ rộng của nó ở thực địa và tỷ lệ của bản đồ
3. Các điểm dân cư
Các điểm dân cư là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bản đồ địa hình. Các điểm dân cư được đặc trưng bởi kiểu cư trú, số người và ý nghĩa hành chính – chính trị của nó. Theo kiểu cư trú, phân ra thành các nhóm: các thành phố, các điểm dân cư kiểu thành phố (khu công nhân, khu phố ven đường sắt, nơi nghỉ mát), các điểm dân cư nông thôn (thôn, ấp, nhà độc lập,…). Kiểu điểm dân cư được thể hiện trên bản đồ địa hình bằng kiểu chữ ghi chú tên của nó.
Khi thể hiện các điểm dân cư trên bản đồ địa hình thì phải giữ được đặc trưng của chúng về quy hoạch, cấu trúc.
Trên các bản đồ tỷ lệ 1:5000 có thể biểu thị được tất cả các vật kiến trúc theo kích thước của chúng, đồng thời thể hiện đặc trưng của vật liệu xây dựng, độ rộng của các đường phố cũng được thể hiện theo tỷ lệ bản đồ.
Trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 các điểm dân cư được biểu thị bằng ký hiệu quy ước các ngôi nhà và các vật kiến trúc riêng biệt nhưng trong đó đã có sự lựa chọn nhất định. Trong một số trường hợp phải thay đổi kích thước mặt bằng và độ rộng của đường phố.
Trên các bản đồ tỷ lệ từ 1:25.000 đến 1:100.000 thì sự biểu thị không phải chủ yếu là các vật kiến trúc riêng biệt mà là các ô phố, trong đó đặc trưng chất lượng của chúng cũng được khái quát. Trên bản đồ tỷ lệ 1:100.000 thì các ngôi nhà trong các ô phố không được thể hiện; sự biểu thị các đường phố với độ rộng quy định (0.5 – 0.8mm) có ảnh hưởng làm giảm diện tích của các ô phố trên bản đồ.
4. Mạng lưới đường giao thông và đường dây liên lạc
Trên các bản đồ địa hình thì mạng lưới đường sá được thể hiện tỉ mỉ về khả năng giao thông và trạng thái của đường. Mạng lưới đường sá được thể hiện chi tiết hoặc khái lược là tuỳ thuộc vào tỷ lệ của bản đồ. Cần phải phản ánh đúng đắn mật độ của lưới đường sá, hướng và vị trí của các con đường, chất lượng của chúng.
Đường được phân ra thành: đường sắt, đường rải mặt và đường đất.
Các đường sắt được phân chia theo: độ rộng của đường ray, theo số đường ray, trạng thái của đường, dạng đầu máy xe lửa
Trên đường sắt phải biểu thị các nhà ga, các vật kiến trúc và các trang thiết bị khác thuộc đường sắt (tháp nước, trạm canh, các con đường ngầm, các đoạn đường đắp cao, cầu, cống,…).
Các đường không ray được phân ra thành:
Đường ôtô trục.
Đường rải nhựa tốt.
Đường nhựa thường.
Đường đá tốt.
Đường đất lớn.
Đường đất nhỏ.
Đường mòn.
Trên các bản đồ tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn biểu thị tất cả các con đường; trên các bản đồ tỷ lệ 1:25.000 thì biểu thị có chọn lọc các con đường trên đồng ruộng và trong rừng ở những nơi mà đường sá có mật độ cao. Ở các tỷ lệ nhỏ hơn thì sự lựa chọn và khái quát cao hơn.
5. Dáng đất
Dáng đất trên bản đồ địa hình được biểu thị bằng các đường bình độ. Những yếu tố dáng đất mà đường bình độ không thể hiện được thì được biểu thị bằng các ký hiệu riêng (Ví dụ: vách đứng). Ngoài ra, trên bản đồ địa hình còn ghi chú độ cao
Khoảng cao đều của các đường bình độ trên bản đồ được quy định
Trên các bản đồ địa hình cần phải thể hiện chính xác và rõ ràng các dạng địa hình có liên quan đến sự hình thành tự nhiên của dáng đất như các dãy núi, các đỉnh núi, yên núi, thung lũng, các vách nứt, rãnh sói, đất trượt… và các dạng có liên quan với sự hình thành nhân tạo như chỗ đắp cao, chỗ đào sâu,… Sử dụng bản đồ có thể thu nhận được những số liệu về độ cao, về độ dốc với độ chính xác cao, đồng thời phải đảm bảo phản ánh đúng đắn sự cắt xẻ ngang và cắt xẻ đứng của bề mặt.
6. Lớp phủ thực vật và đất
Trên các bản đồ địa hình biểu thị các loại rừng, bụi cây, vườn cây, đồn điền, ruộng, đồng cỏ, cát, đất mặn. đầm lầy,… Ranh giới của các khu thực phủ và của các loại đất thì được biểu thị bằng các đường chấm; ở diện tích bên trong đường viền thì vẽ các ký hiệu quy ước đặc trưng cho từng loại thực vật hoặc đất. Ranh giới của các loại thực vật và đất cần được thể hiện chính xác về phương diện đồ hoạ; thể hiện rõ ràng những chỗ ngoặt có ý nghĩa định hướng. Các đầm lầy được phân biệt biểu thị các đầm lầy qua được, các đầm lầy khó qua và các đầm lầy không qua được, ghi độ sâu của đầm lầy. Rừng được phân biệt biểu thị: Rừng già, rừng non, rừng rậm, rừng thưa, rừng bị cháy, rừng bị đốn,… ghi rõ độ cao trung bình của cây, đường kính trung bình và loại cây.
Khi biên tập thực vật và loại đất thì phải tiến hành lựa chọn và khái quát. Việc chọn lọc thường dựa theo tiêu chuẩn kích thước, diện tích nhỏ nhất của các đường viền được thể hiện lên bản đồ.
7. Ranh giới phân chia hành chính – chính trị
Ngoài đường biên giới quốc gia, trên các bản đồ địa hình còn phải biểu thị các địa giới của các cấp hành chính. Cụ thể là trên các bản đồ có tỷ lệ 1:50.000 và lớn hơn thì biểu thị từ địa giới xã trở lên, trên bản đồ tỷ lệ 1:100.000 thì không biểu thị địa giới xã. Các đường ranh giới phân chia hành chính – chính trị đòi hỏi phải thể hiện rõ ràng, chính xác.
Tác giả bài viết: Lê Hải Nguồn tin: https://tracdiapro.com
Bài viết mới
Cấu tạo máy thủy bình (0) Máy thủy bình tự động là lại máy thủy chuẩn quang học nhưng được trang bị bộ phận con lắc tự động cân bằng để giúp bạn cân bằng máy nhanh […] Posted in Kiến thức Trắc địa
Thuê máy trắc địa (0) Thuê máy trắc địa
THUÊ MÁY GPS RTK 2 TẦN SỐ
Bảng giá thuê máy GPS RTK 2 tần số 3/2022 mới nhất:
Giá thuê theo ngày : 350,000
Giá thuê […] Posted in Dịch vụ Đo đạc
Comment (01)